Tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ gia đình được phép chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh hoặc Trung ương mà không bị coi là trái tuyến.
Bác sĩ gia đình được phép chuyển người bệnh vượt tuyến.
Ngày 27/4/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1568/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được thực hiện ở trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (Bệnh viện nhà nước).
Bác sĩ gia đình được phép chuyển người bệnh lên tuyến tỉnh hoặc Trung ương tuy theo tình hình sức khỏe người bệnh. (Ảnh minh họa).
Quyết định nêu rõ: “Tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, bác sĩ gia đình có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. Riêng đối với phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện việc chuyển tuyến Y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của bệnh viện vẫn được coi là đúng tuyến”.
Nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình.
Nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình là tham gia phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp. Bên cạnh đó, thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.
Tham gia quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi. Thực hiện chuyển tuyến Y học gia đình là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị.
Ngoài ra, bác sĩ gia đình còn được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật như thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.
Nguồn: Pháp luật plus.