Khương hoạt là một dược liệu có sự giao thoa giữa kinh nghiệm sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền và Y học hiện đại. Theo các nghiên cứu về Đông y tiềm năng của Khương hoạt trong điều trị các chứng đau nhức, sốt và các vấn đề tim mạch là rất đáng chú ý.
- Tổng quan về Khương hoạt :
Khương hoạt, còn gọi là Xuyên khương, Trúc tiết khương, hay Hồ vương sứ giả, là một dược liệu quý thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae) với tên khoa học là Notopterygium incisum Ting ex Chang. Khương hoạt là một cây thân thảo sống lâu năm, đặc trưng bởi mùi thơm riêng biệt. Thân rễ của cây to và có đốt.. Quả thuộc loại quả bế đôi, hình thoi dẹp, màu nâu đen và có dìa ở mép và lưng. Hiện tại, Khương hoạt chưa được ghi nhận có ở Việt Nam mà chủ yếu mọc ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, được thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Thành phần hóa học: Nghiên cứu cho thấy Khương hoạt chứa tinh dầu (với thành phần chính là notopterol chiếm khoảng 34%) và chất coumarin (isoimperatorin khoảng 3,8%). Đáng chú ý, notopterol đã được chứng minh có tác dụng giảm đau, chống viêm và chống oxy hóa.
- Công dụng theo y học hiện đại:
Theo các giảng viên Y học cổ truyền Sài Gòn đã chứng minh, các hoạt chất chiết xuất từ Khương hoạt mang lại nhiều lợi ích sức khỏe bao gồm :
– Tác dụng hạ sốt, giảm đau: Tinh dầu và dịch chiết Khương hoạt cho thấy khả năng hạ sốt tương đương analgin và giảm đau đáng kể trong các thí nghiệm trên động vật.
– Tác dụng chống loạn nhịp tim: Các chế phẩm từ Khương hoạt có khả năng kéo dài thời gian tiềm phục và rút ngắn thời gian loạn nhịp tim trong các thí nghiệm gây loạn nhịp khác nhau.
– Tác dụng đối với thiếu máu cơ tim cấp tính: Tinh dầu Khương hoạt có tác dụng đối kháng với tình trạng thiếu máu cơ tim cấp tính gây ra bởi các tác nhân thử nghiệm.
– Tác dụng chống choáng: Nước sắc Khương hoạt cho thấy khả năng đối kháng với tình trạng choáng do kích thích điện.
– Tác dụng kháng khuẩn: Tinh dầu Khương hoạt có khả năng ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn gây bệnh trong điều kiện in vitro.
– Tác dụng chống viêm, chống dị ứng: Tinh dầu Khương hoạt có tác dụng giảm phù, ức chế phản ứng quá mẫn muộn và ảnh hưởng đến lượng vitamin C ở tuyến thượng thận.
- Công dụng theo y học cổ truyền:
Theo y học cổ truyền, Khương hoạt có vị cay, đắng, tính ấm, quy vào kinh bàng quang và thận, có tác dụng phát tán phong hàn, trừ thấp, thông kinh lạc và giảm đau. Thường được dùng để chữa nhức đầu, cảm mạo do phong hàn, sốt không ra mồ hôi, đau nhức gân xương. Ở Trung Quốc, Khương hoạt còn được dùng để điều trị phù thũng, mụn nhọt, mày đay, mẩn ngứa. Liều dùng hàng ngày thường là 4-8g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc rượu.
- Một số bài thuốc có Khương hoạt:
Khương hoạt thường được phối hợp với các vị thuốc khác trong các bài thuốc cổ truyền để điều trị nhiều chứng bệnh:
– Chữa đau vai gáy, đau lưng: Bài thuốc Khương hoạt thắng thấp thang.
– Chữa cảm sốt, đau đầu không ra mồ hôi: Bài thuốc Cửu vị khương hoạt thang.
– Chữa bán thân bất toại: Bài thuốc Sơ phong hoạt huyết thuận khí thang.
– Chữa trúng phong: Bài thuốc có Khương hoạt, Phòng phong, Phụ tử chế…
– Chữa rụng tóc, tóc bạc sớm: Bài thuốc kết hợp Khương hoạt với Thiên ma, Bạch thược…
– Chữa viêm khớp dạng thấp, có sốt: Bài thuốc kết hợp Khương hoạt với Độc hoạt, Phòng phong…
– Chữa mày đay: Bài thuốc có Khương hoạt, Tô tử, Thương nhĩ tử…
- Lưu ý khi sử dụng:
Theo thầy thuốc Đông y khuyến cáo khi sử dụng Khương hoạt Người bị đau đầu, đau cơ thể do huyết hư hoặc bệnh không phải do phong hàn thì không nên dùng Khương hoạt. Việc sử dụng Khương hoạt cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.