Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc thai nhi nắm chặt tay bác sĩ đang phẫu thuật làm rúng động thế giới 17 năm trước đây. Vậy câu chuyện đằng sau nó là gì? Cuộc sống của thai nhi đó bây giờ ra sao?
Câu chuyện đằng sau bức ảnh rúng động ngành y tế.
Ngày 19/8/1999, bé Samuel Armas (Mỹ), khi đó mới chỉ là một thai nhi 21 tuần tuổi, được bác sĩ thực hiện ca mổ ngay trong bụng mẹ do bị nứt đốt sống. Trong lúc bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật, một bàn tay nhỏ xíu của thai nhi bất chợt vươn ra khỏi bụng mẹ và nắm chặt tay bác sĩ. Khoảnh khắc đặc biệt ấy được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Michael Clancy và mang tên “Bàn tay hy vọng”, sau đó bức ảnh này đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới.
Bức ảnh thai nhi nắm tay bác sĩ làm rúng động ngành y tế.
“Khi trông thấy tấm hình đó, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là mình đã may mắn và đặc biệt đến mức nào”, Samuel – cậu bé 17 tuổi nói với Fox News. “Em thực sự rất biết ơn”.
Theo Life News, Samuel được bố mẹ là Alex và Julie phát hiện ra bị dị tật nứt đốt sống cổ khi mới ở tuần thai thứ 14. Điều đó đã khiến bố mẹ cậu bé cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, thậm chí bác sĩ tư vấn đã khuyên họ phá thai.
Theo các bác sĩ, nứt đốt sống là một dạng dị tật não và tủy sống cực kỳ nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Nếu đứa trẻ sống sót, dị tật có thể gây ra rất nhiều hệ quả xấu khác.
Tuy nhiên cha mẹ của Samuel quyết định không bỏ thai nhi vì “đó là đứa bé được Chúa trời trao tặng”. Julie tìm hiểu trên mạng và biết được bác sĩ Joseph Bruner và Noel Tulipan ở Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Nashville đã phát triển kỹ thuật can thiệp cho thai nhi gặp vấn đề trong bụng mẹ. Sau khi bàn bạc với các chuyên gia, đôi vợ chồng đồng ý phẫu thuật ở tuần thai thứ 21 và cho phép Michael Clancy lúc đó làm việc cho tờ USA Today chụp ảnh nhằm nâng cao nhận thức về các hình thức chữa trị mới.
Cậu bé Samuel lúc 21 tháng tuổi.
Quá trình phẫu thuật cứu sống thai nhi bị dị tật nứt đốt sống.
Bác sĩ phẫu thuật Joseph Bruner và Noel Tulipan mở tạm thời tử cung Julie, làm thoát nước ối, phẫu thuật cho thai nhi rồi đưa bào thai trở về tử cung người mẹ. “Có thể cảm thấy sự căng thẳng trong phòng mổ ngay thời điểm ca phẫu thuật bắt đầu”, nhiếp ảnh gia Michael kể lại.
Trong lúc một bác sĩ hỏi anh về loại phim ảnh sử dụng, Michael đột nhiên thấy tử cung Julie rung lên. “Bỗng chốc cánh tay thai nhi vươn ra khỏi vết mổ, rồi thu lại chỉ để lộ bàn tay nhỏ xíu. Bác sĩ với tới, nâng bàn tay thai nhi rồi bé phản ứng và cầm lấy ngón tay ông ấy. Samuel bám rất chặt. Và tôi đã chụp ảnh”.
Ca phẫu thuật kết thúc thành công sau một tiếng 13 phút, toàn bộ nhân viên y tế có mặt tại đó thở phào nhẹ nhõm. Cậu bé Samuel khỏe mạnh chào đời ngày 2/12/1999, dị tật não được cải thiện và chứng não úng thủy gần như hoàn toàn biến mất. Tấm hình “Bàn tay hy vọng” của Michael xuất hiện trên mọi ấn phẩm báo chí, được đánh giá là “khoảnh khắc đáng kinh ngạc”.
Cậu bé Samuel 17 tuổi.
Gần 17 năm sau, Samuel lớn lên và trở thành một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh. Cậu bé học trường trung học Alexander, thích sưu tập côn trùng và đam mê thể thao đặc biệt là bóng rổ, bơi lội. Phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ như xe lăn, cậu bé vẫn tràn đầy hạnh phúc. Đối với Samuel, bức ảnh năm xưa như thông điệp sự sống mà em vinh dự được góp mặt.
Theo VnExpress.