Thời tiết đông xuân nồm ẩm tạo điều kiện cho rất nhiều chủng virus phát triển, vậy chúng ta cần phải làm gì để phòng tránh các căn bệnh này?
- Nên sử dụng khẩu trang nào để phòng ngừa dịch bệnh nCoV từ Vũ Hán?
- Bác sĩ tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh nCoV
- Bác sĩ tư vấn cách bảo quản rau củ để đảm bảo dinh dưỡng trong những ngày tết
Thời tiết đông xuân nồm ẩm tạo điều kiện cho rất nhiều chủng virus phát triển
Theo Bác sĩ Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, vì vậy làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm. Trong đó, đáng chú ý là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn… Vậy người dân cần phải làm để phòng tránh các căn bệnh này?
Bệnh cúm mùa
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Đồng thời, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
Ngoài ra, người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Bệnh sởi
Cũng giống như bệnh cúm mùa, hiện nay bệnh sởi đã cơ bản được khống chế bằng việc tiêm phòng vắc xin, vì thế Bộ Y tế khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để tiêm vắc xin phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Các bác sĩ cũng cho biết, bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để gia tăng sức đề kháng.
Phương pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm chủng đầy đủ vắc xin
Bệnh tiêu chảy
Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Đồng thời sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Bệnh liên cầu lợn
Bệnh liên cầu lợn là căn bệnh khá phổ biến và thường gặp trong mùa đông xuân, để phòng ngừa căn bệnh này thì Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Các bệnh trong mùa đông xuân không chỉ để lại các biến chứng nguy hiểm mà còn có nguy cơ lây lan rất cao, vì thế mỗi người dân cần có ý thức và thực hiện công tác phòng chống bệnh Bộ Y tế đưa ra.
Nguồn: bacsy.edu.vn