Hạ đường huyết là tình trạng cấp cứu phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh diễn biến nhanh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Phát hiện sớm các triệu chứng giúp điều trị kịp thời, cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.
Hạ đường huyết là gì?
Theo các Bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM, Hạ đường huyết được xác định dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm Glucose huyết thanh. Các triệu chứng thường xuất hiện khi nồng độ Glucose huyết thanh dưới 60 – 70 mg/dL. Khi nồng độ này giảm dưới 50 mg/dL, các triệu chứng nặng hơn sẽ xuất hiện, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào hôn mê và có nguy cơ tử vong cao. Do đó, việc tăng nồng độ đường huyết phải được thực hiện ngay lập tức khi phát hiện các triệu chứng của hạ đường huyết.
Các nguyên nhân của hạ đường huyết
Hạ đường huyết có thể do các nguyên nhân sau:
- Hạ đường huyết lúc đói: Triệu chứng thường xảy ra 5–6 giờ sau ăn, vào ban đêm hoặc sau khi vận động nhiều. Phổ biến ở người lớn tuổi, người gầy yếu hoặc suy nhược.
- Hạ đường huyết do thuốc: Do dùng quá liều thuốc hạ đường máu như Insulin, Sulfonylureas, hoặc khi bỏ bữa ăn, suy gan – thận. Một số thuốc như Salicylate, Propranolol, Quinin, thuốc ức chế men chuyển, Disopyramide, Chloramphenicol, thuốc kháng đông cũng có thể gây hạ đường huyết.
- Hạ đường huyết do rượu: Xảy ra ở người uống nhiều rượu, làm giảm khả năng tân tạo đường của gan.
- Bệnh lý tuyến tụy: Bướu tế bào beta tuyến tụy gây tăng tiết Insulin bất thường, thường gặp ở nữ. Triệu chứng xuất hiện sáng sớm, cuối trưa hoặc sau khi nhịn đói.
- Bệnh lý gan, thận: Các bệnh này cũng có thể gây hạ đường huyết.
- Nguyên nhân khác: Suy giảm chuyển hóa thức ăn ở dạ dày, thay đổi chuyển hóa thuốc, suy dinh dưỡng, lọc thận, nhiễm trùng.