Đây là câu hỏi của Chị Liên (Hà Nội) gửi về bác sĩ tư vấn về hoàn cảnh gia đình đã lấy nhau được 4 năm nhưng hiếm muộn, chưa có con.
- Tại sao ngày càng có nhiều người trẻ bị ung thư dạ dày?
- Bác sĩ phụ khoa nói về dấu hiệu cảnh báo vô sinh
Thụ tinh ống nghiệm
Chúng tôi lấy nhau được 4 năm nhưng chưa sinh được con do chồng không có tinh trùng song kiểm tra trong tinh hoàn thì có tinh trùng. Bác sĩ chỉ định vợ chồng tôi làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng tôi rất băn khoăn có nên thực hiện? Thủ tục có phức tạp? Mất nhiều thời gian không? Mong bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Hồng Liên, Mỹ Đình, Hà Nội).
Chào bạn,
Trường hợp của vợ chồng bạn được chẩn đoán là hiếm muộn do người chồng không tinh trùng mà nguyên nhân tại ống dẫn tinh chứ không phải ở tinh hoàn.
Trước đây, khi chưa áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệp thì những trường hợp như trên không thể có con bằng tinh trùng của người chồng được. Sự ra đời của thụ tinh ống nghiệm giúp những cặp vợ chồng như bạn thỏa mong muốn có được đứa con của chính mình. Do đó, bạn đừng lo lắng căng thẳng quá.
Hiện tại, thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm không quá khó khăn phức tạp như nhiều người lầm tưởng. Tùy mỗi trung tâm mà có những quy trình, thời gian hẹn khác nhau. Tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội bệnh nhân thường qua các bước sau:
- Thủ tục hành chính: Cung cấp chứng minh thư của 2 vợ chồng và giấy đăng ký kết hôn, giấy cam kết thực hiện với mẫu do bệnh viện cấp.
- Thủ tục chuyên môn gồm xét nghiệm của cả 2 người. Đối với vợ cần đánh giá dự trữ buồng trứng (AMH, nội tiết tố sinh dục ngày thứ hai đến thứ ba của chu kỳ kinh, siêu âm nang thứ cấp). Ngoài ra cần khám phụ khoa, xét nghiệm huyết học, sinh hóa, đông máu cơ bản, điện tim, X-quang tim phổi, phim chụp tử cung vòi trứng, phiếu phẫu thuật nội soi (nếu có). Người chồng cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ, máu xem có HIV, HBsAg… không. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt có thể yêu cầu xét nghiệm như nhiễm sắc thể, AZF (yếu tố gây vô tinh trùng, là gene nằm trên nhiễm sắc thể Y, vị trí Yq11)…
Giải pháp cho gia đình hiếm muộn
Sau khi thực hiện đầy đủ các bước trên, hai vợ chồng sẽ được hẹn đến dùng thuốc, thông thường vào ngày thứ hai của chu kỳ kinh nữ. Người vợ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng từ 8 đến 10 ngày. Trong thời gian này nên tránh thức khuya, tránh căng thẳng, không dùng chất kích thích… Khi nang noãn đạt kích thước theo tiêu chuẩn, bác sĩ cho tiêm một mũi thuốc gây trưởng thành noãn. 36 giờ sau người vợ được chọc noãn. Trong ngày này người vợ được gây mê nên cần nhịn ăn trước khi chọc noãn khoảng 6 giờ. Người chồng cũng được hướng dẫn để lấy tinh trùng, trong trường hợp cần lấy tinh trùng bằng thủ thuật.
Sau khi chọc noãn từ 2 đến 3 ngày, vợ chồng bạn được thông báo số phôi trước khi chuyển vào buồng tử cung. Nếu vợ chồng bạn có phôi dư thì được đông lạnh để chuyển cho những lần sau giúp tăng tỷ lệ có thai không phải chọc noãn và làm thủ thuật nữa.
Sau 14 ngày, bác sĩ hướng dẫn cho người vợ xét nghiệm máu kiểm tra xem có thai không. Nếu có, bạn sẽ được hướng dẫn dùng các thuốc hỗ trợ cho đến khi thai ổn định, thông thường trong 12 tuần. Sau đó bạn được hẹn kiểm tra thai định kỳ như những trường hợp mang bầu tự nhiên.
Chúc vợ chồng bạn nhiều sức khỏe và sớm có tin vui.
Thân ái.
Xem thêm: Cẩm nang sức khỏe
Nguồn: Vnexpress