Ngày 13/3 vừa qua, các bác sĩ Phụ trách khoa Phụ – Bệnh viện Phụ sản Thái Bình đã cấp cứu thành công một ca vỡ thai ngoài tử cung ngay tại nhà bệnh nhân trong điều kiện vô cùng thiếu thốn.
Các bác sĩ đã cấp cứu bệnh nhân trong điều kiện vô cùng thiếu thốn.
- Bệnh ngoại khoa đau bụng dưới là triệu chứng của bệnh gì?
- Bác sĩ tư vấn nhận biết triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.
Ca phẫu thuật được thực hiện ngay tại nhà bệnh nhân.
Đã 3 ngày trôi qua, sức khoẻ của bệnh nhân Lương Thị Vân trú tại xã Quyết Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã ổn định. Với chị và gia đình, đây là điều tuyệt vời.
Bác sĩ Phí Ngọc Chung – Phụ trách khoa Phụ – Bệnh viện Phụ sản Thái Bình luôn cảm thấy tự hào vì mình và các đồng nghiệp đã cứu sống được bệnh nhân Vân chỉ trong gang tấc nhờ những phán đoán kịp thời và chuẩn xác.
Bác sĩ Chung kể lại, đêm 13/3, khi đó ông đang trực thường trú thì nhận được thông tin có bệnh nhân cấp cứu ở Quyết Tiến, Kiến Xương. Cũng như bao lần trực thường trú phải đi mổ gấp ở các xã, huyện, nên bác sĩ Chung vội vàng từ nhà đến thẳng nhà bệnh nhân.
Khi các thầy thuốc đến nơi, bệnh nhân đã rất nặng, huyết áp 40/60 dù đã tiêm thuốc nhưng không thay đổi nên các bác sĩ quyết định mổ ngay tại nhà.
Lúc này, ê kíp và công tác chuẩn bị được gấp rút hoàn thành. Bác sĩ Chung cho biết khó nhất là cái bàn mổ. Vì không có bàn mổ nên các bác sĩ đã phải lấy băng ca từ xe cứu thương vào để làm bàn phẫu thuật. Tuy nhiên, bàn băng ca quá cao nên các bác sĩ phải tìm ghế đứng lên và tìm những vật dụng để đựng dụng cụ.
Các bác sĩ gọi về Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Thái Bình xin giúp đỡ máu và hồi sức. Lúc đầu, bệnh viện chỉ mang về có 2 đơn vị máu, sau đó phải xin thêm 2 lít máu. Lúc này, chưa biết nhóm máu của bệnh nhân là gì nên họ cứ mang nhóm máu O đến vì đây là nhóm máu có thể truyền cho tất cả các nhóm máu khác.
Gia đình người bệnh được giải thích rõ ràng và họ hiểu được nguy cơ tử vong. Giữa lúc đó, biện pháp phẫu thuật với điều kiện cơ sở vật dụng ít như thế là điều cấp thiết nhất.
Bác sĩ Chung là người mổ chính, khi vừa phanh bụng ra thì máu từ tử cung chảy xối xả, bắn cả vào người bác sĩ. Vừa mổ, các đồng nghiệp hồi sức chịu trách nhiệm bóp bóng để có khí cho bệnh nhân thở vì không có máy thở.
Sau hơn hai tiếng, bệnh nhân đã được cứu sống. Huyết áp ổn định, tổn thương bị vỡ do chửa ngoài tử cung đã được xử lý hết. Các bác sĩ tạm thở phào nhẹ nhõm.
Trải qua những giây phút cận kề sinh tử.
Bác sĩ Chung kể, ca mổ như thế với các bác sĩ là điều bình thường. Đối diện với bệnh nhân nặng và cận kề sinh tử là việc hằng ngày. Nhưng đó là ở nơi điều kiện tốt như bệnh viện. Còn đây, ngay tại nhà riêng bệnh nhân, trong điều kiện thiếu thốn hết sức, họ vẫn phải mổ mà không cho phép mình nghĩ vẩn vơ, nghĩ về những cái xấu.
Đến khi mổ xong, anh Chung cười “Có lúc tôi nghĩ nếu không may bệnh nhân diễn biến xấu thì không biết thế nào vì thuốc cũng như các dụng cụ hồi sức mang về rất có hạn”.
Có lẽ điều mà bác sĩ Chung ái ngại nhất là khi ông bước ra sân để đi rửa chân tay do máu của bệnh nhân phun vào người thì cả làng, cả xã họ đã kéo đến xem mổ. Điều đó khiến bác sĩ cũng chùn chân: “Không may mình không cứu được bệnh nhân chắc khó mà về được vì người thân họ sẽ quây bác sĩ lại”.
Nhưng thật may mắn, bệnh nhân tiến triển tốt và được xe cứu thương đưa người bệnh về bệnh viện phụ sản điều trị sau hậu phẫu. Điều bác sĩ Chung vui nhất là ekip cố gắng bảo tồn tử cung cho bệnh nhân vì bệnh nhân còn trẻ, mới chỉ có một con. Bảo tồn tử cung có nghĩa là sau này chị vẫn có thể sinh nở được.
Với bác sĩ Chung cũng như nhiều bác sĩ ở Thái Bình, việc đi mổ trong đêm ở bệnh viện huyện, ở trạm y tế xã là điều bình thường. Cách đây hơn 1 năm, bác sĩ Chung cùng đồng nghiệp về xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình để cấp cứu cho một sản phụ băng huyết sau sinh. Khi bác sĩ về đến nơi thì sản phụ đã tử vong nhưng người dân, người nhà sản phụ đã quây kín cả trạm y tế.
Các bác sĩ không thể về được vì ở ngoài, người nhà bức xúc cho rằng bác sĩ không cứu được người nhà của họ. Cả ê kíp phải ngồi trong phòng với sự giúp đỡ của lực lượng an ninh xã. Nhưng họ vẫn tổ chức các chuyến đi mổ xa như thế, đều cố gắng thành công. Nhưng nghề y, đằng sau đó cũng có nhiều điều không như mình mong muốn, nhất là trong lĩnh vực sản khoa- bác sĩ Chung tâm sự.
Nguồn: infonet.