Cao đẳng Y Dược TP HCM
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Bệnh đục thủy tinh thể do những nguyên nhân nào gây nên?

Bệnh đục thủy tinh thể là hiện tượng mờ đục của thủy tinh thể, cản trở không cho các tia sáng đi qua, làm cho thị lực người bệnh suy giảm dẫn đến mù lòa. Vậy bệnh lý này do những nguyên nhân nào gây nên?

Đục thủy tinh thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Đục thủy tinh thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tư vấn, đục thủy tinh thể (cườm đá, cườm khô) là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi. Thủy tinh thể là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc.

Công suất hội tụ của thể thủy tinh có vai trò quan trọng đối với hệ thống khúc xạ, giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng trên võng mạc khi nhìn xa. Khả năng thay đổi độ dày của thể thuỷ tinh gọi là sự điều tiết có tác dụng giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần.

Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thể thuỷ tinh sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua. Bệnh nhân bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù loà.

Nguyên nhân đục thủy tinh thể và các yếu tố nguy cơ?

Bác sĩ – Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết: Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương… Tuy nhiên đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%. Hiện tượng đục thể thuỷ tinh hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 60.

Tuổi tác

Khi con người già đi, những sự thay đổi có thể xảy ra trong cấu trúc protein thủy tinh thể dẫn đến đục thể thuỷ tinh.

Bẩm sinh

Trẻ em mới sinh ra cũng có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể do rối loạn si truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể phát triển do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như như bệnh sởi, bệnh rộp da và giang mai.

Các nguyên nhân thứ phát

Các căn bệnh như tăng nhãn áp, tiểu đường cũng có thể biến chứng thành đục thể thuỷ tinh. Dùng kéo dài một số thuốc như corticoid (nhỏ cũng như uống), thuốc hạ mỡ máu (simvastatin), thuốc chống loạn nhịp tim (amilodarone), thuốc trầm cảm (phenothiazin)… làm tăng nguy cơ đục thể thuỷ tinh.

Chấn thương

Một số chấn thương có thể dẫn đến sự hình thành đục thể thuỷ tinh ngay hoặc sau nhiều năm.

Các nguyên nhân khác

Bao gồm mắt tiếp xúc quá nhiều với tia UV (tia cực tím), tia X và bức xạ khác trong lúc xạ trị. Ánh nắng mặt trời đã được chứng minh làm đục thể thuỷ tinh gấp 2 đến 3 lần nhóm chứng và không thể xem là yếu tố phối hợp. Rối loạn dinh dưỡng, ỉa chảy mất nước, thiếu hụt các yếu tố chống oxi hoá, hút thuốc, uống rượu cũng là những yếu tố phối hợp quan trọng.

Triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể như thế nào?

Ở giai đoạn sớm, triệu chứng thường nghèo nàn, người bệnh có dấu hiệu mắt mờ không chỉnh được bằng kính, hay mỏi mắt.

Những triệu trứng thường gặp như sau:

  • Có hiện tượng ‘’ruồi bay’’, chấm đen, đốm đen xuất hiện trước mắt.
  • Nhìn, đọc thấy nhòe và có cảm giác chói sáng do tăng nhạy cảm với ánh sáng.
  • Có thể xuất hiện ảnh ảo, 2 đến 3 ảnh khi nhìn một vật.
  • Đôi khi nhìn trong bóng râm tốt hơn ngoài ánh sáng, thường gặp ở bệnh nhân đục thể thủy tinh thể đục nhân trung tâm.
  • Bệnh nhân trên 55 tuổi: thường thay đổi số kính hoặc đột ngột không cần kính nhìn gần.
  • Có thể gặp ở một hay hai mắt, và thường có xu hướng sẽ bị cả hai mắt.

Các biện pháp phòng ngừa đục thủy tinh thể

Theo khuyến cáo của các Bác sĩ chuyên khoa Mắt, cách tốt nhất để phòng chống căn bệnh đục thủy tinh thể là cần thay đổi thói quen sinh hoạt một cách khoa học, kết hợp với những giải pháp hỗ trợ điều trị thông qua các cách sau:

  • Thay đổi điều kiện ánh sáng và không khí bên trong căn nhà bạn, với đèn nhiều hơn hoặc sáng hơn. Khi đi ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, khói bụi… thì nên đeo kính chống tia cực tím để bảo vệ mắt.
  • Bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
  • Ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, E, A, kẽm, lutein, zeaxanthin có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc, trứng sữa, cá, rong biển… Hạn chế ăn mặn và thức ăn có nhiều đường, dầu mỡ…

Đặc biệt, mọi người nên đi khám mắt thường xuyên, định kỳ 6 tháng/lần hoặc đến gặp bác sĩ tư vấn khi có những dấu hiệu bất thường.