Nhiều gia đình có thói quen dự trữ thực phẩm đông lạnh lâu ngày, tuy nhiên theo các bác sĩ dinh dưỡng việc trữ đông thực phẩm sai cách có thể gây tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe.
Tác hại khi dùng thực phẩm đông lạnh sai cách.
Do tâm lý lo ngại thức ăn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn nên người dân thường có thói quen mua thực phẩm về để dự trữ trong tủ lạnh.
Việc trữ đông thực phẩm trong thời gian dài là không tốt.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết: “Thực phẩm thường dùng để trữ đông trong tủ lạnh thường là thịt, cá, tôm, cua và thức ăn có nguồn gốc động vật. Vì những thực phẩm này nhiều đạm nên rất dễ bị phân hủy, ôi thiu nếu để bên ngoài”.
Trữ đông lạnh thực phẩm như thế nào là an toàn?
Một số thực phẩm như rau xanh, củ, hoa quả tươi thì không nên trữ đông lạnh, mà chỉ nên bảo quản mát… “Rau xanh và hoa quả tươi khi trữ đông lâu ngày sẽ làm mất đi các vitamin và khoáng chất, giá trị dinh dưỡng bị giảm nhiều trừ chất xơ. Do đó, các loại rau, củ, quả chỉ nên bảo quản ở tủ mát”, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi nói.
Về lời khuyên với bà nội trợ trữ đông thực phẩm an toàn, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho hay: “Thịt, cá, tôm… trước khi trữ đông phải là thực phẩm sạch, tươi và không bị nhiễm khuẩn và bị ôi thiu. Nếu thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn, ôi thiu cho vào trữ đông càng giúp ức chế vi khuẩn. Sau khi rã đông, vi khuẩn sẽ bùng phát mạnh mẽ gây ra nguy cơ ngộ độc cho người dùng”.
Bảo quản thực phẩm đông lạnh như thế nào là an toàn?
Theo bác sĩ tư vấn, phương pháp trữ đông an toàn là sau khi giết mổ gia cầm, gia súc xong phải bảo quản đông càng sớm càng tốt. Thời gian để ngoài môi trường kéo dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Việc vệ sinh tủ lạnh cũng rất quan trọng giúp cho thực phẩm không bị nhiễm khuẩn chéo. “Để không biến tủ lạnh thành ổ chứa vi khuẩn cần phải đảm bảo ngăn đá luôn sạch trước khi trữ đông. Bà nội trợ cần sơ chế thực phẩm sạch sẽ trước khi cho vào tủ lạnh, phải có túi hay hộp nhựa để phân chia đủ theo nhu cầu bữa ăn của gia đình”, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho hay.
Không nên cấp đông lại thực phẩm sau khi rã đông.
Thực phẩm khi đã rã đông có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Vì vậy sau khi đã rã đông thực phẩm cần phải được chế biến ngay và không cho vào cấp đông lại. Thực phẩm nếu biết cách bảo quản tốt có thể để được tới 1 tháng. Tuy nhiên theo lời khuyên của bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, chỉ nên để thực phẩm đủ ăn trong một tuần. Nếu trữ đông thực phẩm càng lâu thì lượng dinh dưỡng dễ bị hư hao.
Trong trường hợp mua thực phẩm ngoài chợ về trữ đông cần lưu ý chọn thịt lợn phải là thịt lợn mới mổ; tôm, cá còn sống… Vì vậy, bà nội trợ nên tranh thủ đi chợ vào buổi sáng sớm.
Đối với các gia đình có nguồn cung cấp thực phẩm ở quê, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi lưu ý: “Thực phẩm sau khi mổ xong phải được bảo quản bằng đá trong thùng xốp. Nếu không bảo quản bằng đá, trong quá trình vận chuyển rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, khiến cho thực phẩm từ đang sạch bị biến thành nguy hại cho sức khỏe”.
Theo Emdep.