Bàn chân là bộ phận quan trọng phản ánh tình trạng sức khỏe của con người.Theo đó đau lòng bàn chân có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe hoặc tổn thương ở vùng chân đó.
- Bạn đã biết gì về bệnh hen suyễn?
- Nguy cơ tiềm ẩn khi ứ dịch lòng tử cung sau sinh
- Kẽm – vi chất quan trọng thường xuyên bị bỏ quên
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra đau lòng bàn chân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, các bác sĩ tư vấn tại fanpage Tin tức Y tế Việt Nam – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur có những chia sẻ chân thành với các thông tin hữu ích giúp bạn có thể lưu ý và phòng tránh bệnh hiệu quả.
Đau lòng bàn chân là gì?
Lòng bàn chân (hay gan bàn chân) là nơi phải chịu đựng tất cả áp lực của toàn bộ cơ thể trong suốt cuộc đời mỗi khi chúng ta đi bộ, chạy hay đứng. Theo giải phẫu học, có 26 xương và dây chằng liên kết ở bàn chân, cấu trúc giải phẫu này cho phép bàn chân hoạt động như một bộ phận giảm sang chấn và đòn bẩy. Đau chân có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cấu trúc nào của bàn chân. Trong đó, đau lòng bàn chân có thể được cảm nhận ở phần gót chân, giữa vòm của lòng bàn chân hay phần ụ ngón chân tuỳ thuộc vào các bệnh lý khác nhau.
Nguyên nhân gây ra đau lòng bàn chân
Theo bác sĩ Chu Hòa Sơn – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng bị đau lòng bàn chân, có thể kể đến như:
– Viêm cân gan chân: Cân gan chân là một dây chằng rộng và dày, chạy dọc theo lòng bàn chân từ gót chân đến các ụ ngón chân. Dây chằng này duy trì cấu trúc vòm cho gan bàn chân. Theo MedlinePlus, cân gan chân có thể bị viêm khi bị tổn thương hoặc hoạt động quá mức, gây đau nhức bàn chân.
Chia sẻ tại fanpage Tin tức Y tế Việt Nam, bác sĩ Sơn cũng cho hay, viêm cân gan chân thường gây cơn đau nhói ở gan bàn chân gần gót chân. Đau thường nặng với vài bước đi đầu tiên sau khi bạn mới thức dậy, mặc dù đau cũng có thể khởi phát sau một khoảng thời gian dài đứng lâu hoặc đứng dậy sau khi ngồi lâu.
– Viêm xương gót: Xương gót là nơi mà cân gan chân bám và khi viêm có thể gây cơn đau dọc theo gan bàn chân. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm cân gan chân hoặc viêm xương gót bao gồm béo phì, chạy bộ đường dài hay cấu trúc gan bàn chân quá phẳng hoặc quá cong.
– Do tập luyện thể dục thể thao quá sức: Trong những tình huống thường ngày, cân gan chân hoạt động như một bộ phận giảm sốc và góp phần duy trì cấu trúc hình vòm cho bàn chân bạn. Hoạt động quá mức và lặp đi lặp lại sẽ tạo nên các vết rách nhỏ trong cân gan chân gây nên hiện tượng viêm.
– Đi giày dép không phù hợp: Đi giày dép quá cao, quá chật đều là nguyên nhân của bệnh đau dưới lòng bàn chân. Những người thường xuyên phải mang giày cao gót sẽ tăng nguy cơ bị các vấn đề về xương khớp.
– Mắc bệnh viêm khớp dạng thấp: Người ở độ tuổi trung niên là đối tượng dễ mắc chứng bệnh đau lòng bàn chân do chức năng xương khớp suy giảm dần theo tuổi tác.
– Do trọng lượng cơ thể: Thừa cân béo phì là nguyên nhân khiến đôi chân phải chịu áp lực lớn khi trọng lượng cơ thể đè nén lên, các xương, khớp phải làm việc quá sức. Do đó bạn nên thực hiện chế độ ăn uống hợp lý như bí quyết cẩm nang sức khỏe không thể bỏ qua để có một cơ thể nhẹ nhàng.
– Dây thần kinh bị chèn ép: Chèn ép dây thần kinh gây đau nhức, bỏng rát hay có cảm giác nhạy cảm ở phần đầu của bàn chân. Một dạng phổ biến khác của chèn ép dây thần kinh là hội chứng ống cổ chân. Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh của xương chày chạy dọc trong mắt cá chân và xuống lòng bàn chân bị chèn ép. Cảm giác đau nhức có thể lan tỏa từ mu bàn chân và gót chân đến lòng bàn chân. Tê cóng, chuột rút chân cũng xảy ra, và các triệu chứng bệnh thường tăng vào ban đêm trong lúc ngủ hay nghỉ ngơi.
Đau lòng bàn chân tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không cẩn thận bạn có thể đang mắc một căn bệnh nguy hiểm. Do đó khi xuất hiện triệu chứng đau lòng bàn chân kéo dài trên nhiều ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày của bạn thì cần đến khám sức khỏe tại các cơ sở y tế sớm nhất.
Nguồn: bacsy.edu.vn