Cao đẳng Y Dược TP HCM
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Bác sĩ khuyến cáo sai lầm nghiêm trọng khi điều trị bệnh gan

Thời gian qua rất nhiều trường hợp mắc bệnh gan vào bệnh viện trong trường hợp nguy kịch. Bác sĩ cho rằng những vấn đề này xảy ra do người bệnh tự điều trị không đúng cách.

benh-viem-gan-1

Bệnh gan – Hình 1

Chương trình có sự tham gia của TS. Từ Ngữ – Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Nguyên Giám đốc BV Việt Đức; PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Nguyên trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai. Trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ, các chuyên gia đã giải đáp rất nhiều câu hỏi của bạn đọc khắp nơi gửi về xoay quanh các nội dung như: những bệnh lý về gan, chế độ dinh dưỡng, điều trị và dự phòng hiệu quả căn bệnh này.

Những sai lầm thường gặp

Lọc HBsAg cho bệnh nhân viêm gan – điều không tưởng

Trước thông tin lan truyền rằng có thể điều trị viêm gan bằng phương pháp lọc, đẩy HBsAg ra khỏi cơ thể với chi phí hàng chục triệu đồng khiến nhiều người tin theo, PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc đã khẳng định đây là điều không tưởng. Bác sĩ tư vấn đầu ngành về gan mật, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng cho rằng, phương pháp lọc chỉ áp dụng cho trường hợp bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối có chỉ định lọc gan. Các bác sĩ sẽ dùng máy có tác dụng gần như gan thật để lọc loại bỏ chất độc ra bên ngoài, nhưng lọc phải đúng quy định, đúng quy trình và có dùng thuốc hỗ trợ chứ không phải ai bị bệnh viêm gan cũng phải lọc gan.

Không điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

Bạn đọc 40 tuổi, quê Thanh Hóa hỏi: “Tôi tự mua thuốc hạ cholesterol để điều trị gan nhiễm mỡ độ II, như vậy có đúng không?”. PGS. Quyết thẳng thắn cho rằng đây là một sai lầm. Nếu bị gan nhiễm mỡ độ II bắt buộc phải điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Điều trị cholesterol bằng uống các thuốc làm giảm cholesterol ngoài tác dụng tốt thì có rất nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng gan. Cho nên nếu cứ bị tăng cholesterol mà nghĩ đến việc mua thuốc về uống để giảm cholesterol thì không được mà phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị, kết hợp chế độ dinh dưỡng, tập luyện, uống thuốc điều trị đúng bệnh gan nhiễm mỡ.

Một trường hợp khác cho biết, bản thân đã phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ 4 năm nay nhưng không điều trị, PGS. Ngọc nói “nếu không điều trị thì dần dần sẽ dẫn tới xơ gan, thậm chí là ung thư tế bào gan rất nguy hiểm tính mạng”.

Chữa bệnh theo truyền miệng

Bạn đọc Văn Tấn nói, anh thường xuyên uống diệp hạ châu theo mách bảo để điều trị viêm gan B. Về trường hợp này, TS. Từ Ngữ cho rằng, việc điều trị như vậy là không đúng. Bệnh viêm gan B cần điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chứ không thể chữa bệnh theo truyền miệng, tránh tiền mất tật mang.

Ghép gan – cứu cánh cuối cùng

Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về vấn đề ghép gan vì đây là kỹ thuật hiện đại, là cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân gan. Về vấn đề này, PGS. Quyết cho rằng, hiện nay, trình độ ghép gan của các bác sĩ nội khoa Việt Nam không thua kém gì trên thế giới. Tuy nhiên, bệnh nhân gan trước hết nên điều trị nội khoa một cách tích cực, triệt để. Chỉ đến khi nào các phương pháp nội khoa không còn áp dụng được nữa thì mới bắt buộc phải ghép gan. Bởi lẽ nguồn tạng hiến tặng hiện rất khan hiếm, cùng với đó là chi phí ghép vẫn khá tốn kém khoảng 1,5 tỉ đồng (dù đã rẻ hơn rất nhiều so với thế giới). Bệnh nhân cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.

Đồng quan điểm, PGS. Ngọc cho rằng, những bệnh nhân bị tổn thương gan giai đoạn cuối thường được chỉ định ghép gan. Bệnh nhân cần phải điều trị trước khi buộc phải ghép gan vì ghép gan là cứu cánh cuối cùng.

Cũng ngay trong chương trình, nhiều bạn đọc muốn được đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, phục vụ cho y học, cứu sống nhiều người.

benh-viem-gan-2

Bệnh gan – Hình 2

Dinh dưỡng hợp lý chống lại bệnh gan

TS. Từ Ngữ cho rằng, các bệnh về gan nói chung đều ảnh hưởng tới chức năng gan. Muốn có gan khỏe mạnh thì không nên đưa chất độc vào cơ thể (đặc biệt là rượu). Nếu đã mắc bệnh gan cần kết hợp điều trị và dinh dưỡng hợp lý cho từng giai đoạn, chú ý bổ sung nước và các loại vitamin, hoa quả, cung cấp lượng protein dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như sữa; giảm lipid từ động vật, hạn chế những thực phẩm nhiều cholesterol… Người bệnh cần có chế độ vận động, nghỉ ngơi phù hợp.

Với chị em mang thai bị viêm gan B, chế độ ăn cần đảm bảo cho cả mẹ và con. Cần đặc biệt kiêng hoặc tránh các thực phẩm có độc tố từ nấm mốc, các thực phẩm có phụ gia độc hại, ngoài ra cần lưu ý kiểm soát nguồn rau xanh. Nên ăn thức ăn mềm, chia làm nhiều bữa, ăn món luộc nhiều hơn, ăn các thực phẩm tốt cho cơ thể để đưa đủ chất dinh dưỡng vào nuôi con.

Để dự phòng, tránh lây nhiễm bệnh gan trong cộng đồng một cách hiệu quả, PGS. Ngọc tư vấn nên dựa vào các đường lây bệnh để giảm được sự lây truyền của virus viêm gan. Chẳng hạn: Tầm soát hết những người phụ nữ có thai, xem họ có mang virus viêm gan B hay không để có hướng điều trị thích hợp. Ở những bệnh nhân truyền máu, tất cả các mẫu máu truyền đều được xét nghiệm virus viêm gan B, kháng nguyên bề mặt trước khi truyền. Ở trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo, chúng ta cũng phải hạn chế trong sự lây truyền virus viêm gan. Sử dụng loại kim tiêm dành cho 1 lần, hạn chế được rất lớn khả năng lây truyền virus viêm gan B và C. Một đường lây truyền nữa là qua đường tình dục. Thông thường những người quan hệ với những người bị nhiễm virus viêm gan cần phải được xét nghiệm xem đã bị nhiễm virus hay chưa. Nếu chưa bị nhiễm thì xem đã có kháng thể chưa, nếu chưa có kháng thể thì cần phải tiêm phòng trước khi quan hệ tình dục.

Ngày nay, một phương pháp hạn chế sự lây lan virus viêm gan mà chúng ta đang làm rất tốt là tiêm chủng mở rộng. Vaccine phòng ngừa viêm gan B là vaccine an toàn nhất thế giới, xác suất không an toàn là 1/10.000 là xác suất quá nhỏ so với xác suất con em chúng ta có thể bị nhiễm virus viêm gan B nếu không tiêm chủng.

Xem thêm: Cẩm nang sức khỏe

Nguồn: Thongtinbenh.com